Xã Vạn Hưng Quá trình thành lập và phát triển:
Xem bản đồ
Về tên gọi và địa giới hành chính của xã được thay đổi qua nhiều thời kỳ lịch sử. Dưới thời phong kiến, vùng đất Vạn Hưng gồm các làng: Quán Chùa thôn, Tây An Đông xã, Tân An Tây xã, Vạn Xuân xã và Xuân Sơn ấp thuộc tổng Hạ, huyện Quảng Phước, phủ Ninh Hòa. Năm 1946 thời kỳ Pháp thuộc, các làng trên được ghép lại thành làng Xuân Tự, Tân Đức và Xuân Sơn thuộc Tổng Phước Tường Nội (trước đây là Tổng Hạ), Phủ Ninh Hòa.
Đến cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đầu năm 1946, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa quy định lấy xã làm đơn vị hành chính cấp thứ tư, bỏ cấp tổng. Trong giai đoạn đó thực dân Pháp đánh chiếm Vạn Ninh vào ngày 30/01/1946, nên việc thành lập xã kéo dài cho đến thời gian hòa hoãn của Hiệp định sơ bộ (06/3/1946) mới hoàn thành trên toàn huyện.
Năm 1951, tỉnh lại chủ trương sát nhập các xã trên thành 3 xã lớn: Ninh Hiệp (Liên Hưng, Liên Hiệp). Năm 1953, tỉnh lại chủ trương chia nhỏ 3 xã lớn thành 8 xã nhỏ như cũ.
Sau khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược lần thứ hai, làng Xuân tự, Tân Đức thuộc vùng địch tạm chiếm. Chúng đổi tên huyện Vạn Ninh thành quận Vạn Ninh, tên làng, xã vẫn gọi như trước đây.
Bộ máy cấp cơ sở dưới quận là xã, dưới xã là ấp (thôn). Quận Vạn Ninh có 9 xã, 34 ấp: Trong đó, Vạn Hưng có 4 ấp Xuân Tự, Tân Đức, Xuân Vinh và Hà Già và tên gọi xã Vạn Hưng cũng bắt đầu chính thức từ đây.
Sau ngày giải phóng miền Nam, xã Vạn Hưng thuộc huyện Khánh Ninh, tỉnh Phú Khánh, xã có thay đổi về địa giới xã và các thôn.
Ngày 01/3/2000, UBND huyện Vạn Ninh ban hành Quyết định số 65/QĐ-UBND về việc sáp nhập điểm Kinh tế mới Dốc Đá Trắng của huyện vào xã Vạn Hưng và cho thành lập thêm 2 thôn mới là thôn Xuân Đông, thôn Xuân Tây trên cơ sở dân cư của điểm Kinh tế mới Dốc Đá Trắng.
Nghị định số 32/2000/NĐ-CP ngày 11/8/2000 về việc điều chỉnh địa giới hành chính các xã Vạn Lương, Vạn Hưng và thị trấn Vạn Giã sát nhập thôn Lương Hải vào thị trấn Vạn Giã và nhập thôn Tân Đức của xã Vạn Hưng vào xã Vạn Lương.
Về kinh tế:
Thế mạnh chủ yếu phát triển về nuôi trồng và đánh bắc thủy sản; sản xuất nông nghiệp hiện nay cây tỏi là thế mạnh của địa phương, trên đất tỏi hộ gia đình trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như đậu phụng, hành, dưa hấu.. tạo nên thu nhập ổn định cho địa phương. Ngoài các cây trồng trên địa phương duy trì trồng cây lúa, cây mía.. cây ăn quả như chuối, mít, bưởi, xoài… trồng cây công nghiệp như keo. Trước nhu cầu đa dạng của cuộc sống, người dân ở đây đã phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ nhằm duy trì ổn định và phá triển kinh tế tại địa phương.
Sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản hàng năm đều đạt trên 100% kế hoạch chỉ tiêu;
Thời tiết khí hậu thuận lợi sản lượng lương thực hàng năm đều đạt trên 100%.
Tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người của xã hàng năm đạt theo chuẩn nông thôn mới.
Về văn hóa xã hội:
Trong quá trình hình thành, phát triển nhân dân xã Vạn Hưng đã giữ gìn, phát huy và tạo nên những giá trị văn hóa, vừa đậm đà đặc trưng văn hóa dân tộc, vừa có nét văn hóa riêng của các vùng miền. Những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được tiếp tục nuôi dưỡng ở vùng đất này như tinh thần đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tương thân, tương ái; hàng năm vào ngày Giỗ tổ Hùng vương các thôn trên địa bàn xã duy trì phong tục tín ngưỡng tổ chức cúng Đình nhằm tưởng nhớ các thành hoàng làng,... Trong quan hệ láng giềng, mọi người đều sống hiền hòa, thương yêu đùm bọc lẫn nhau lúc bình thường cũng như lúc khó khăn, gian khổ được nhân dân giữ gìn và phát huy.
- Về hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao từng bước được nâng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hàng năm tham gia và tổ chức các giải thể thao đảm bảo theo kế hoạch huyện giao. Duy trì hoạt động các câu lạc bộ thể dục – thể thao của xã, người tập luyện thể dục thể thao ở địa phương ngày càng tăng lên.
Hoạt động Đài truyền thanh đảm bảo trang thiết bị của đài truyền thanh xã, duy trì nề nếp phát thanh, thông tin về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, các chủ trương của địa phương, các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh, huyện và của địa phương.
- Về giáo dục: Hàng năm tỷ lệ học sinh ra lớp các bậc học đạt từ 99% trở lên; tỷ lệ lên lớp các bậc học đạt 99% trở lên; đáp ứng nhu cầu cải cách giáo dục, các trường học trên địa bàn tập trung thực hiện đẩy mạnh tốt công tác giáo dục, chất lượng giảng dạy của giáo viên từng bước được nâng lên đảm bảo thực hiện công tác giảng dạy cho học sinh trong giai đoạn hiện nay.
- Về Y tế, Dân số: Chất lượng đội ngũ cán bộ y tế ngày càng đáp ứng yêu cầu công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân; triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hành động về công tác bảo vệ, nâng cao chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Chú trọng công tác theo dõi diễn biến và kiểm soát các loại dịch bệnh; công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được thường xuyên thực hiện. Thực hiện hoàn thành các Chương trình y tế Quốc gia theo kế hoạch giao.
- Về Lao động thương binh- xã hội: Tổ chức xét duyệt các đối tượng chính sách theo quy định. Thực hiện việc chi trả chế độ trợ cấp kịp thời cho các đối tượng chính sách và BTXH;
- Về Quốc phòng- An ninh: Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội định; duy trì trực chỉ huy, trực thường xuyên và trực sẵn sàng chiến đấu, trực bảo vệ các ngày lễ, Tết đảm bảo quân số 100%, phối hợp Công an xã tuần tra bảo đảm tình hình An ninh trật tự trên địa bàn. Hàng năm địa phương đều hoàn thành tốt công tác giao quân đạt 100%.